Đua nhau thế chấp nhà đất chơi chứng khoán

Facebook Google+ Email







 








Gần đây thế chấp nhà đất tăng đột biến.



Vay “nóng” để chơi


 


Đã học qua lớp chứng khoán, ngày ngày đến sàn để nghiên cứu, phân tích thị trường... nhưng lâu nay anh V. ở quận 5, TPHCM chỉ tư vấn cho người khác chơi chứng khoán. Tuy nhiên, cuối năm 2006, V. không còn đứng ngoài cuộc chơi nữa khi nhiều người được V. chỉ “mánh” kiếm lời hàng trăm triệu. Không muốn người thân biết, V. âm thầm đem căn hộ chung cư mới mua thế chấp cho một ngân hàng. V. không ngần ngại nêu trong phương án của mình: dùng vốn vay để đầu tư cổ phiếu.


 


V. được vay 400 triệu đồng so giá trị căn hộ trên 1 tỉ đồng. V. bắt đầu “săn” ngay cổ phiếu của một công ty cơ điện lạnh và cổ phiếu của công ty phát triển nhà - hai trong số các cổ phiếu được nhiều người quan tâm lúc bấy giờ. Mua vào 7 và 9 “chấm”, bán ra 15 và 20 “chấm”, V. kiếm được một khoản lời kha khá.


 


Thừa thắng xông lên, V. tiếp tục săn lùng các cổ phiếu khác để đầu tư. Đến nay V. cho biết đã có hơn 1,2 tỉ đồng. Nhưng đó là giá trị trên cổ phiếu, thực tế V. còn nợ ngân hàng 400 triệu, mỗi tháng trả lãi hơn 4 triệu đồng.


 


“Chịu chơi” hơn là trường hợp của S. ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TPHCM. Thế chấp hai lô đất ở quận 7, S. vay “nóng” 700 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng. S. giải thích về sự liều lĩnh của mình: “Nếu vay ngân hàng phải chờ thủ tục, thẩm định... sẽ vuột mất cơ hội đầu tư trong khi tôi đã tìm được cổ phiếu rất ưng ý. Còn vay nóng thì chỉ cần đưa sổ đỏ vào, lấy tiền ra ngay, khi nào không cần thì trả lại”.


 


Vay “nóng”, bán “nóng” cổ phiếu, S. kiếm được hơn 200 triệu đồng. Tiền vốn cộng tiền lời, S. tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu. Nhưng cổ phiếu mới mua giá chưa tăng được bao nhiêu thì những ngày qua bắt đầu rớt giá. S. như đang ngồi trên lửa khi khoản lãi cứ tăng dần. Người cho vay còn dọa S. sẽ cộng lãi vào vốn để tính lời nếu không trả đúng hẹn...


 


Một cán bộ Phòng Công chứng số 2 cho biết từ cuối năm 2006 đến nay, lượng nhà đất công chứng thế chấp tăng nhanh do nhu cầu cần vốn để làm ăn, nhưng qua thăm dò nhiều người dân cho hay dùng tiền vay để đầu tư cổ phiếu. Thống kê cho thấy từ giữa đến cuối tháng 2/2007, bình quân mỗi ngày có gần 80 trường hợp đến công chứng thế chấp nhà đất, cao điểm có ngày lên đến vài trăm trường hợp.


 


Coi chừng… trắng tay


 


Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM Trần Thế Ngọc nói việc thế chấp nhà đất tăng thời gian gần đây là tín hiệu tốt. Nhà đất đưa vào thế chấp, vay vốn sản xuất kinh doanh không chỉ mang lại hiệu quả cho xã hội mà còn kích thích thị trường bất động sản phát triển sau một thời gian dài “đóng băng”.


 


Nhưng theo ông Ngọc, để tạo điều kiện hơn nữa cho người dân thế chấp làm ăn, các ngân hàng cần định giá bất động sản sát với giá thị trường và quản lý việc thế chấp chặt chẽ. Ngoài ra khâu thế chấp, xóa thế chấp cần đơn giản hơn...


 


Viện trưởng Viện Kinh tế TP Trần Du Lịch cho rằng đưa nhà đất vào lưu thông là tốt nhưng nếu tập trung nguồn vốn quá lớn vào thị trường chứng khoán sẽ nguy hại cho nền kinh tế, trong khi các lĩnh vực khác rất cần vốn để kinh doanh, sản xuất.


 


Theo ông Lịch, “phong trào” chơi chứng khoán hiện nay tương tự đợt đầu tư ồ ạt vào bất động sản những năm 2000-2002. Lúc đó nhiều người dân cũng đã thế chấp nhà đất để mua nhà đất. Ông phân tích: thế chấp nhà đất để đầu tư vào cổ phiếu nguy hiểm hơn vì khi thị trường địa ốc “đóng băng” vẫn có thể chờ sang thời điểm khác bán hoặc bán với giá giảm. Còn giá cổ phiếu mang yếu tố “ảo” nhiều hơn và khi thị trường chứng khoán “xuống dốc” thì giá trị cổ phiếu cũng giảm nhanh, thậm chí gần như mất trắng. Ông khuyên các nhà đầu tư không nên đầu tư theo “phong trào”.


 


Các ngân hàng đều tỏ ra thận trọng khi đề cập tỉ lệ khách hàng thế chấp nhà đất đầu tư vào cổ phiếu. Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết có một số ngân hàng cho vay theo hình thức này, riêng ngân hàng của ông chỉ cho khách hàng vay kinh doanh, tiêu dùng, chưa xem xét cho vay đầu tư cổ phiếu. Trong khi đó, một cán bộ ngân hàng khác cho biết nhiều khách hàng đã “né” bằng cách ghi trong phương án là kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng... nhưng thực tế thì đầu tư cổ phiếu, vì vậy các ngân hàng rất khó kiểm soát.


 



Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Trần Ngọc Minh khuyến cáo các ngân hàng cần thận trọng khi cho khách hàng vay tiền đầu tư cổ phiếu. Mặt khác phải kiểm soát kịp thời việc sử dụng vốn vay của khách hàng. Nếu phát hiện khách hàng sử dụng vốn vay đầu tư cổ phiếu trong khi phương án là kinh doanh, tiêu dùng thì được phép thu hồi ngay số tiền đó do sử dụng sai mục đích.


 


Tuy nhiên, theo ông, quan trọng vẫn là khâu kiểm tra, giám sát ban đầu. Về phía người dân, ông Minh khuyên nên cân nhắc khi thế chấp nhà đất để đầu tư vào cổ phiếu, bởi giá cổ phiếu lên xuống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình. Trường hợp muốn chơi chứng khoán, nên chọn lựa cổ phiếu tốt, kỳ vọng, phân tích kỹ tình hình tài chính của công ty... trước khi quyết định mua cổ phiếu.


 


Theo Phúc Huy


Tuổi Trẻ