Xử phúc thẩm vụ “buôn lậu” gỗ trắc: Giám định lô gỗ và điều tra viên “ép cung” vắng mặt

Facebook Google+ Email

Phiên tòa do Thẩm phán Phạm Việt Cường làm chủ tọa. Có mặt bốn bị cáo kháng án sơ thẩm kêu oan: Ông Trương Huy Liệu và vợ Trần Thị Dung là chủ Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng), Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành là cựu công chức Hải quan tỉnh Quảng Trị.

 a1-5d1c6ea354285

Từ trái qua, bị cáo Thành, Nhi và vợ chồng ông Liệu.

Bốn luật sư có mặt là Nguyễn Trường Thành (Văn phòng Luật sư Vạn Lý - Đoàn luật sư TP. Cần Thơ) bào chữa cho cả bốn bị cáo và các Luật sư Nguyễn Chính Hạnh (Văn phòng Luật sư Chính Hạnh - Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), Lê Thị Xuân Mai (Văn phòng Luật sư Lê Thị Hồng Thanh - Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng), Lê Văn Khiển (Công ty Luật Lê Văn Hiến - Đoàn luật sư tỉnh Quảng Trị) cùng bào chữa cho vợ chồng ông Liệu.

Ở cấp sơ thẩm có 08 luật sư, chủ yếu của bị cáo Liệu nhưng đến phúc thẩm đã được từ chối một số; bên cạnh ông Đỗ Danh Thắng bị án sơ thẩm phạt 06 tháng tù treo không kháng cáo nên một luật sư cũng nghỉ.

Chủ tọa phiên tòa Phạm Việt Cường tóm tắt quá trình giải quyết vụ án. Theo đó, ngày 17/12/2011, tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, Công ty Ngọc Hưng mở tờ khai hải quan nhập 535,8 m3 gỗ trắc từ Lào, nộp thuế giá trị gia tăng 3.246.503.317 đống. Hai ngày sau, tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, Công ty Ngọc Hưng mở tờ khai xuất khẩu nguyên lô gỗ đã đóng vào 22 container, sang Hong Kong. Khi chở gỗ xuống tàu ở cảng Đà Nẵng, một xe container “vi phạm trong lĩnh vực hải quan” và Tổng cục Hải quan ra lệnh khám xét rồi khởi tố vụ án “buôn lậu”, chuyển hồ sơ sang C44 Bộ Công an điều tra. Cáo trạng số 66/CT-VKSTC ngày 14/5/2018 của VKSND tối cao truy tố vợ chồng bị cáo Liệu phạm tội “buôn lậu” lô gỗ trắc, còn các cựu công chức hải quan tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bản án sơ thẩm số 35/2018 ngày 23/8/2018/HSST của TAND TP. Đà Nẵng ngày 23/8/2018 buộc tội “buôn lậu” 21,506 m3 gỗ giáng hương vì không khai báo, phạt bị cáo Liệu 1 năm 16 ngày tù (bằng thời gian tạm giam); còn các bị cáo Dung, Nhi, Thành đều 09 tháng tù treo. Phần lớn lô gỗ là gỗ trắc không phải buôn lậu nên tòa tuyên trả cho Công ty Ngọc Hưng. Do quá trình điều tra, vào tháng 01/2014, lô gỗ vật chứng đã bị C44 Bộ Công an bán đấu giá gần 64 tỷ đồng, trừ chi phí tổ chức bán và giá trị gỗ giáng hương “buôn lậu”, còn gần 63 tỷ đồng trả cho Công ty Ngọc Hưng.

Cả 04 bị cáo đều kháng án sơ thẩm, kêu oan. Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng có Quyết định kháng nghị số 39/ QĐ - VC2 ngày 14/9/2018, đề nghị xử phúc thẩm tăng nặng hình phạt với vợ chồng bị cáo Liệu, tịch thu toàn bộ lô gỗ. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo và đại diện VKSND cấp cao giữ nguyên kháng cáo.  

 a2-5d1c6ea36d037

Bị cáo, người làm chứng, luật sư và nhà báo tại phiên tòa.

Đáng chú ý ở vụ án này, hồ sơ của Công ty Ngọc Hưng trước sau đều chứng minh chỉ nhập và xuất khẩu gỗ trắc. Nhưng bản án sơ thẩm lại xử tội “buôn lậu” 21,506 m3 giáng hương, là theo giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam.

Cho nên, vợ chồng bị cáo Liệu đã làm đơn yêu cầu triệu tập đến tòa phúc thẩm những người tham gia giám định để làm rõ căn cứ đưa ra số lượng và chủng loại gỗ giáng hương? Chủ tọa Phạm Việt Cường cho biết, tòa đã có công văn triệu tập những người tham gia giám định nhưng ngày khai mạc họ vẫn vắng mặt.

Công ty Ngọc Hưng cũng có đơn đề nghị triệu tập Điều tra viên Trần Đức Dũng đến tòa phúc thẩm vì có dấu hiệu ông Dũng ép cung để tạo chứng cứ, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Theo đơn, trong hồ sơ có các bút lục số 3191, 3193 là biên bản ghi lời khai của anh Trần Đình Quang (nhân viên Công ty Ngọc Hưng và là cháu ruột của vợ chồng ông Liệu) vào các ngày 22 và 23/4/2013 thể hiện việc ông Liệu chỉ đạo anh Quang lập giả hợp đồng và các giấy tờ kèm theo để nhập khẩu lô gỗ. Từ đó, cáo trạng cũng như Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 39/QĐ-VC2 ngày 14/9/2018 của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cáo buộc ông Liệu chỉ đạo “làm giả hồ sơ, tài liệu để nhập khẩu lậu gỗ từ Lào vào Việt Nam và xuất khẩu lậu gỗ từ Việt Nam sang Trung Quốc”.

Tuy nhiên, sau khi làm việc với điều tra viên, anh Trần Đình Quang có đơn kêu cứu gửi VKSND tối cao, Cục trưởng C44 Bộ Công an, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Chánh thanh tra Bộ Công an và Trưởng ban Nội chính Trung ương để kêu cứu, cho rằng các biên bản ghi lời khai nói trên do Điều tra viên Trần Đức Dũng lập sẵn rồi dùng nhục hình, đánh đập, bỏ đói buộc phải ký. Qua đó, anh Quang đề nghị hủy các biên bản ghi lời khai, bản tự khai cùng các tài liệu khác có chữ ký của anh ngày 22 và 23/4/2013 rồi anh Quang tự tử vào sáng 22/5/2013. Trong di thư anh Quang vẫn nhắc đến việc bị ép cung, nhục hình.

Đặc biệt, ngày 20/5/2013, C44 mời anh Quang ra Hà Nội để làm việc nhưng biên bản ghi lời khai của Quang ngày 20/5/2013 không có bản chính, chỉ có bản phô tô. Nên đơn của Công ty Ngọc Hưng đề nghị triệu tập ông Dũng đến tòa phúc thẩm để làm rõ những nghi vấn ép cung, nhục hình với anh Quang nhằm tạo chứng cứ giả cho vụ án. Chủ tọa Phạm Việt Cường cũng cho biết, tòa đã gửi công văn đến cơ quan của Điều tra viên Trần Đức Dũng yêu cầu ông Dũng có mặt tại tòa phúc thẩm nhưng ông chưa có mặt mà không rõ lý do.

Theo các bị cáo và luật sư, những người giám định lô gỗ và Điều tra viên Trần Đức Dũng có vai trò khá quan trọng để làm sáng tỏ vụ án. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm cũng như sơ thẩm đều cố tình vắng mặt mà không rõ lý do sẽ gây khó khăn cho quá trình làm sáng tỏ vụ án.

 a3-5d1c6ea5a08f3

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị-Hoàng Đức Thắng (trái) trong buổi khai mạc.

Trong ngày khai mạc, Hội đồng xét xử tập trung thẩm vấn bị cáo Liệu và Dung. Ông Liệu và bà Dung khẳng định, lô gỗ Công ty Ngọc Hưng nhập từ Lào và làm thủ tục xuất đi Hong Kong chỉ có 535,8 m3 gỗ trắc, không có gỗ giáng hương.

Phiên tòa tiếp tục làm việc trong các ngày tới.

Theo Sáu Nghệ - lsvn.vn