Khai mạc phiên sơ thẩm lần thứ 3 xử vụ buôn lậu gỗ trắc “khủng”

Facebook Google+ Email

Ngày 2/8, TAND thành phố Đà Nẵng khai mạc phiên xét xử sơ thẩm vụ án “buôn lậu” gỗ trắc lần thứ 3, sau hai lần trước đều trả hồ để điều tra bổ sung vì chưa đủ căn cứ buộc tội (lần thứ nhất ngày 30 và 31/10/2014, lần thứ hai ngày 6/5/2016).

 

020817a4-5981f9989de8a

Rất đông người dân theo dõi phiên tòa        

Phiên tòa lần này vẫn xét xử theo cáo trạng ngày 25/1/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), chính là cáo trạng bị phiên tòa lần thứ hai trả để yêu cầu điều tra làm rõ 11 nội dung. Kết luận điều tra bổ sung ngày 26/10/2016 chưa làm rõ được 11 nội dung như yêu cầu, nhưng cho rằng: thấy các nội dung yêu cầu điều tra bổ sung không làm thay đổi bản chất vụ án như đã kết luận tại các bản kết luận điều tra trước đây nên giữ nguyên quan điểm khởi tố. Ngày 27/12/2016, Viện KSNDTC (Vụ 3) không ban hành cáo trạng thay thế cáo trạng bị tòa trả lại mà ra công văn “giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị can tại cáo trạng số 02/VKSTC-V3 ngày 25/1/2016”.

Hội đồng xét xử do Phó chánh án TAND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Cảnh làm chủ toạ. Cả 5 bị cáo có mặt, gồm vợ chồng chủ Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng) là ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung bị truy tố tội “buôn lậu”. Ba công chức hải quan bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là các ông Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành ở Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị và Đỗ Danh Thắng ở Cục Hải quan Đà Nẵng. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan là Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, thành phố Đà Nẵng cùng hàng chục nhân chứng và 8 luật sư bào chữa cho các bị cáo có mặt.

Tại phiên tòa, vắng mặt tất cả giám định viên của Bộ Công an về chữ ký doanh nhân Lào và của Viện Sinh thái Tài nguyên - Sinh vật về khối lượng lô gỗ, đại diện cơ quan công tố và nhiều luật sư, bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa để tránh oan sai, tuy nhiên sau khi hội ý, Hội  đồng xét xử tuyên bố vẫn tiến hành xét xử.

020817a1-5981fa275411e

Luật sư có ý kiến trong phần khai mạc phiên tòa

Theo cáo trạng, ngày 17/12/2011, tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Cty Ngọc Hưng mở tờ khai hải quan, nhập 535,8 m3 gỗ trắc từ Lào “xác nhận của Chi cục Hải quan Lao Bảo, lô gỗ trên được vận chuyển trên 13 xe. Cty Ngọc Hưng nộp thuế 3.246.503.317 đồng”. Hai ngày sau, ngày 19/12/2011, tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, Cty Ngọc Hưng mở tờ khai xuất khẩu nguyên lô gỗ đã đóng vào 22 container, sang Hong Kong – Trung Quốc. Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt kiểm hóa, thông quan và lô gỗ được chở xuống tàu ở cảng Đà Nẵng để xuất khẩu. Trong khi đang vận chuyển xuống cảng Đà Nẵng, Công an quận Ngũ Hoành Sơn phát hiện một xe chở container “vi phạm trong lĩnh vực hải quan” và Tổng cục Hải quan ra lệnh bắt giữ, khám xét. Sau đó, ngày 6/4/2012, Cục Điều tra Chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố Cty Ngọc Hưng tội “Buôn lậu”. Hồ sơ chuyển sang Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) và trưng cầu giám định lô gỗ thành khối lượng 614,672 m3. Trong quá trình điều tra, lô gỗ được C44 cho định giá 63.619.706.500 đồng và tháng 1/2014, đã bán.

Cáo trạng viết: “Trong các ngày 16, 17 và 18/12/2011 (là thời gian Cty Ngọc Hưng mở Tờ khai hải quan số 1505/NK/KD/BO33 ngày 17/12/2011 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo), Cty Ngọc Hưng không nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Densavanh, Lào và không có cá nhân hoặc doanh nghiệp nào của Lào xuất khẩu gỗ cho Cty Ngọc Hưng. Vì vậy không có hồ sơ lưu tại cửa khẩu Hải quan vùng 3, Lào và Hải quan cửa khẩu Densavanh này”.

Nên cáo trạng kết luận: “Bị can Trương Huy Liệu đã chỉ đạo nhân viên Cty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ, tài liệu, sau đó sử dụng bộ hồ sơ này để nhập khẩu, xuất khẩu 614,672 m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật, trị giá 63.619.706.500 đồng”. Bà Dung “có hành vi góp sức cho Trương Huy Liệu ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo”. Còn ông Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành được giao nhiệm vụ kiểm hoá lô hàng xuất khẩu “đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao”. Ông Đỗ Danh Thắng cũng “không làm hết trách nhiệm”, để tốn chi phí bốc lên, lưu bãi, kẹp chì hơn 25 triệu đồng.

020817a2-5981fa6a5b63d

Quang cảnh phiên tòa khi đại diện cơ quan công tố đọc cáo trạng

Trả lời thẩm vấn của Chủ tọa phiên tòa, ông Liệu “bác bỏ toàn bộ cáo trạng”. Ông Liệu trình bày và nộp cho tòa bản “phân tích cáo buộc lập hồ sơ giả của cáo trạng” nêu lên 6 nội dung, chứng minh Cty Ngọc Hưng nhập và xuất lô gỗ đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, lô gỗ có nguồn gốc rõ ràng. Việc thương thảo, ký hợp đồng nhập cũng như xuất là rõ ràng, có kê khai nộp thuế. Trong ngày 17/12/2011, đối tác Lào xuất cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam 19 lô gỗ, chỉ riêng lô gỗ trắc của Cty Ngọc Hưng bị bắt và khởi tố hình sự, còn các lô gỗ khác được mua bán bình thường. Hơn nữa, trong ngày đó, Cty Ngọc Hưng nhập 2 lô gỗ trắc, chỉ lô gỗ trắc lớn bị bắt giữ, còn lô gỗ ít hơn bị niêm phong nhưng sau đó mở ra và đã được xuất khẩu.

Chủ tọa phiên tòa hỏi ông Liệu về thực tế khối lượng của lô gỗ và việc cơ quan điều tra bán đấu giá, bởi đây là một nội dung yêu cầu làm rõ khi trả hồ sơ nhưng điều tra chưa làm rõ được. Ông Liệu khai, lô gỗ của ông nhập và xuất là 535,8 m3, còn giám định của Viện Sinh thái Tài nguyên-Sinh vật khi cho ra con số 453,104 m3, khi cho ra 614,672 m3 là do thực hiện phương pháp tính sai với quy định của pháp luật. Vả lại, Viện này cũng không có tư cách giám định tư pháp. Còn bán lô gỗ vật chứng chỉ hơn 63 tỷ đồng, trong lúc trị giá hơn 300 tỷ đồng, ông Liệu khẳng định “là bán tháo, vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.

020817a3-5981fbf6b4819

8 luật sư tại phiên tòa

Đại diện cơ quan công tố tại tòa nhắc ông Liệu không nên dùng từ “bán tháo”. Ông Liệu dẫn các điều khoản quy định của pháp luật để nhấn mạnh việc bán vật chứng là sai phạm nghiêm trọng và không rút lại lời đã dùng. Đại diện cơ quan công tố hỏi ông Liệu về lời khai với điều tra của một nhân viên Cty Ngọc Hưng là Trần Đình Quang: được vợ chồng ông hướng dẫn lập hợp đồng kinh tế giả mạo? Ông Liệu nói, lời khai đó ông không biết thế nào vì không có trong hồ sơ vụ án, còn Trần Đình Quang sau khi làm việc với điều tra trở về được hai ngày, đã thắt cổ tự tử, để lại di thư là bị đe dọa. “Còn thực tế hợp đồng nhập khẩu lô gỗ với đối tác Lào, chúng tôi ký rõ ràng, không hề giả mạo. Trước nay tôi luôn khẳng định như vậy”, ông Liệu trả lời.

Cuối buổi chiều, tòa nghỉ, ngày mai tiếp tục thẩm vấn.

Theo: Sáu Nghệ - lsvn.vn.