Ngày thứ hai xử vụ “buôn lậu” gỗ trắc: Căn cứ khởi tố vụ án không rõ ràng

Facebook Google+ Email

Ngày thứ hai xử vụ “buôn lậu” gỗ trắc: Căn cứ khởi tố vụ án không rõ ràng

LSVNO - Những người tham gia giám định lô gỗ cùng điều tra viên “ép cung” vẫn vắng mặt dù hôm khai mạc tòa tiếp tục triệu tập khẩn cấp. Ngày làm việc thứ hai, tòa tập trung thẩm vấn làm rõ các căn cứ khởi tố vụ án.

t3-5d1dc71053927

Quang cảnh phiên tòa.

Vụ án “buôn lậu” gỗ trắc do Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan khởi tố ngày 06/4/2012. Tại tòa, khi được hỏi, vị đại diện cho Cục Điều tra chống buôn lậu và cả Tổng cục Hải quan là ông Nguyễn Văn Lịch cho rằng, mới nhận công tác nên không nắm chắc vụ án, đề nghị cho ông Đào Xuân Thành (cán bộ Đội 2 Cục Điều tra chống buôn lậu) trả lời. Ông Thành trả lời được vài câu lại đề nghị cho ông Phạm Văn Khiết là cán bộ của Cục Điều tra chống buôn lậu đã trực tiếp khám xét lô gỗ cùng trả lời. Sau đó, những người này lại đề nghị thêm hai người nữa tham gia trả lời.

Nhóm quan chức của Tổng cục Hải quan cho biết, thời điểm Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu lô gỗ từ Lào và làm thủ tục xuất sang Hong Kong, gỗ là mặt hàng không cấm xuất nhập khẩu. Khi nhập, doanh nghiệp chỉ đóng thuế giá trị gia tăng và khi xuất được hoàn lại, không phải đóng thuế xuất nhập khẩu. Việc xuất nhập khẩu chỉ tuân thủ luật pháp nước ta, chịu trách nhiệm từ cửa khẩu trở vào, không chịu trách nhiệm về hồ sơ hàng hóa ở nước khác.

t1-5d1dc7100067b

Từ trái qua, các quan chức hải quan ông Lịch, Thành, Khiết trả lời tại tòa.

Theo các quan chức hải quan, lô gỗ Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào, nhận tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) kê khai 535,8 m3, đóng thuế giá trị gia tăng đủ. Khi chở gỗ xuống cảng Đà Nẵng để xuất đi Hong Kong, một container bị công an địa phương tạm giữ vì có dấu hiệu vi phạm và chuyển cho Hải quan Đà Nẵng xử lý. Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng kiểm tra không thấy vi phạm nên tiếp tục cho thông quan. Tuy nhiên, Cục Điều tra chống buôn lậu vào cuộc, khám xét 21 container còn lại, phát hiện có 21,506 m3 gỗ “nghi không phải gỗ trắc” nên khởi tố vụ án.

Cũng lời khai tại tòa của các quan chức hải quan, việc xác định trong lô gỗ trắc có 21,506 m3gỗ “nghi không phải gỗ trắc” là nhờ cán bộ Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật Việt Nam. Phương pháp kiểm tra như sau: Cán bộ hải quan mở các container ra xem, từ ngày 06/01 đến 14/3/2012, cán bộ của Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật Việt Nam cùng tham gia, thấy thanh gỗ nào “nghi không phải gỗ trắc” thì xếp riêng ra. Đợt kiểm tra xác định lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng chỉ có 453,104 m(gồm 431,598 m3 gỗ trắc và 21,506 m3 nghi không phải gỗ trắc).

Tòa hỏi, theo khám xét của Cục Điều tra chống buôn lậu thì lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng khi xuất ít hơn khi nhập 82,696 m3, nghĩa là khi nhập đã nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhiều hơn quy định, hành vi buôn lậu ở đâu? Quan chức hải quan trả lời, lúc đó còn xác định Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng theo quy định, hồ sơ nhập khẩu là do Công ty Ngọc Hưng tự kê khai và cơ quan khởi tố chưa xác định giả nội dung gì, ở văn bản nào?

Tòa hỏi thêm, nếu cho rằng Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ để nhập lậu lô gỗ qua cửa khẩu Lao Bảo thì trách nhiệm của công chức hải quan cửa khẩu Lao Bảo ở đâu, vì khởi tố vụ án chỉ quy trách nhiệm cho 03 công chức hải quan ở cảng xuất khẩu? Các quan chức hải quan không trả lời được.

Còn có mâu thuẫn là việc khám xét lô gỗ đến ngày 14/3/2012 mới đo đếm xong. Trong lúc, Kết luận giám định số 151/VSTNSV của Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật Việt Nam xác định lô gỗ có 453,104 m3 (gồm 431,598 m3 gỗ trắc và 21,506 m3 ghi không phải gỗ trắc) ký ngày 12/3/2012, trước khi kết thúc việc đo đếm 02 ngày. Tại sao, giám định biết trước được như thế để đưa ra con số 21,506 m3 “nghi không phải gỗ trắc” cho Cục Điều tra chống buôn lậu làm căn cứ khởi tố vụ án? Các quan chức hải quan không giải thích được. 

Buổi chiều, đại diện Viện kiểm sát thẩm vấn vợ chồng bị cáo Liệu và Dung về lô gỗ. Bị cáo Liệu trả lời, biên bản khám xét của hải quan lập ngày 14/3/2012, ông không ký bởi xác định khối lượng không chính xác, còn thêm gỗ “nghi không phải gỗ trắc” không rõ ràng, trong lúc Công ty Ngọc Hưng chỉ nhập gỗ trắc. Đại diện Viện kiểm sát hỏi, nếu thực tế 21,506 m3 nghi không phải gỗ trắc là gỗ giáng hương như cáo buộc thì sao? Bị cáo Liệu trả lời: “Nếu kể cả đó là gỗ giáng hương thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính việc khai báo không đúng về số lượng chủng loại gỗ so với thực tế. Hành vi này được điều chỉnh theo quy định của Nghị định 97/2007/ND-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính và việc cưỡng chế quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Hành vi khai sai không phải là hành vi buôn lậu, không phải là tội phạm”.

t2-5d1dc71111f19

Đại diện viện kiểm sát thẩm vấn bị cáo Dung.

Phiên tòa phúc thẩm tiếp tục làm việc trong những ngày tới và tiếp tục triệu tập khẩn cấp những người tham gia giám định lô gỗ cùng điều tra viên “ép cung” đến tòa.

 

Sáu Nghệ

 

Toà án sơ thẩm thành phố Đà Nẵng lấy 21,506 m3 gỗ Trắc chuyển thành gỗ Hương để tuyên và buộc tội là không có  sở pháp luật:

Thứ nhất: Hội đồng xét xử Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng lấy khối lượng trong các biên bản ghi chép (bản nháp) hàng ngày bị sửa chữa, tẩy xoá để suy đoán, nghi ngờ cho là có 21,506 m3 gỗ Giáng Hương để tuyên tội “Buôn lậu” và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cho các bị cáo là hoàn toàn trái quy định của pháp luật và không có cơ sở. Vì các bản ghi chép khám hàng ngày không phải là văn bản pháp luật, không phải là văn bản hành chính, cũng không phải là quy trình, quy định của Tổng cục Hải quan, đây là tờ giấy dùng để viết nháp (gọi là bản nháp).

Chính vì vậy, tại phiên toà, bị cáo Liệu cho rằng biên bản tổng hợp việc khám xét ngày 14/3/2012 không có giá trị. Kết quả khám xét chỉ đo đếm được một khối lượng, suy đoán thiếu chính xác tổng cộng: 453,104 m3  (thiếu so với khai báo của Công ty 82,7 m3). 

Thứ hai: Trong biên bản tổng hợp khám hàng ngày ghi rõ, nghi không phải gỗ Trắc xẻ, gỗ Trắc tròn, gỗ Trắc xẻ, tròn đo bằng Ste, trong 07 Container kết quả khám hàng ngày (từ ngày 21/02/2012 đến ngày 06/3/2012) như sau:

  1. Container số: YMLU 4744719  có 2.579 thanh = 3,947 m3; có, 1,145 Ste = 0,802 m3, nghi không phải gỗ Trắc.
  2. Container số: CAXU 9304306 có 1.218 thanh  = 1,731 m3; có, 0,450 Ste = 0,315 m3, nghi không phải gỗ Trắc.
  3. Container số: DFSU 6741350 có 7 thanh = 0,238 m3, nghi không phải gỗ Trắc.
  4. Container số: GATU 8669840 có 373 thanh = 1,520 m3; có 4,429 Ste = 3,101m3, nghi không phải gỗ Trắc.
  5. Container số: YMLU 8199192 có số đầu thanh: 3.306 thanh = 4,794 m3; có 0,504 Ste = 0,353 m3, nghi không phải gỗ Trắc.
  6. Container số: BMOU 4434286 có 803 thanh = 2,342 m3; có 3,146 Ste = 2,202 m3, nghi không phải gỗ Trắc.
  7. Container số: CAXU 8202763 có 1 cây = 0,161 m3, nghi không phải gỗ Trắc.

Tổng cộng: (3,947 + 0,802 + 1,731+ 0,315 + 0,238+ 1,520 + 3,101 + 4,794 + 0,353 + 2,342 + 2,202 + 0,161)  =  21,506 m3nghi không phải gỗ Trắc

Trong bảy container trên nghi không phải gỗ Trắc, Viện sinh thái Tài nguyên sinh vật và Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan không hề lấy một mẫu gỗ nào để thực hiện việc giám định.

Thứ ba: Ngược lại trong biên bản chứng nhận lấy mẫu ngày 13/01/2012 tại cảng Đà Nẵng, Viện sinh thái Tài nguyên sinh vật và Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan lại lấy loại mẫu thứ nhất, thứ hai, thứ ba được đánh số thứ tự 1a, 1b, 1c, 1d, 1e, 1f ; 2a, 2b, 2c, 2d, 2f và 3a, 3b, 3d, 3c, 3d, 3f  được cắt từ 01 thanh gỗ thành 06 phần tương đương nhau (06 mẫu) được lấy tại container số GESU 6243717 và mẫu số 13,14, 15, 16 có khối lượng gỗ Trắc 36,777 Ste  = 25,744m3 và 27 kiện = 852 chiếc (gỗ hình trụ tròn) là container mà Công an Quận ngũ Hoành Sơn phát hiện có hiện tượng trộn hàng, sau khi phối hợp khám xét sơ bộ ban đầu rồi bàn giao cho Cục Điều tra chống buôn lậu và Hải quan cửa khẩu cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Các lực lượng Cục Điều tra chống buôn lậu và Hải quan Đà Nẵng tiếp tục khám xét, container số GESU 6243717 hoàn toàn khẳng định là gỗ Trắc, không có nghi gỗ gì khác ngoài gỗ Trắc, nhưng Viện sinh thái Tài nguyên sinh vật lại lấy mẫu tại container số GESU 6243717 để đưa đi giám định và cho ra kết quả là gỗ Giáng hương tại bản giám định số 29/STTNSV ngày 17/01/2012 gửi Cục Điều tra chông buôn lậu - Tổng cục Hải quan, là một việc làm tắc trách, quan liêu, lấy tư cách giám định khoa học nào là giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ để cố ép xằng bậy, vì lợi ích nhóm để cố ý làm trái pháp luật vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, lừa dối các cơ quan tố tụng coi thường nhân dân, coi thường pháp luật.

Thứ tư:  Kết luận giám định số 151/VSTNSV ngày 12/3/2012, nhưng đến ngày 14/3/2012 các cơ quan chức năng mới đo đếm xong. Kết quả khám xét chỉ đo đếm được một khối lượng, suy đoán thiếu chính xác tổng cộng: 453,104 m3  (thiếu so với khai báo của Công ty 82,7 m3). 

Kết luận giám định số 783/ VSTTNSV ngày 26/12/2012  kết luận có 23,828 m3 (lần 2) gỗ Giáng hương. Đặc biệt, trong lần giám định này, Viện sinh thái Tài nguyên sinh vật, các cơ quan tố tụng không lấy mẫu gỗ để giám định (không có biên bản lấy mẫu trong bút lục hồ sơ vụ án) mà lại dám khẳng định kết luận có 23,828 m3 gỗ Giáng hương mâu thuẫn với kết luận giám định 151/2012 là 21,506 m3, chênh lệch thừa 2,322 m3.

Như vậy, từ những mâu thuẫn trong hệ thống chứng cứ, các cơ quan tố tụng, điều tra thu thập không chính xác, suy đoán, quy chụp, cố ép dẫn đến Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã bác bỏ hoàn toàn cáo trạng 66/2018 của Viên kiểm sát nhân dân tối cao là đúng pháp luật. Nhưng Hội đồng xét xử Toà án thành phố Đà Nẵng đã suy đoán sang một hành vi khác lấy 21,506 m3 cho là gỗ Hương khi chưa khẳng định được đó không biết là gỗ Trắc hay gỗ Giáng Hương để ghép tội, tuyên cho các bị cáo là không đúng (nghĩa là tuyên án tội người không có tội) hình sự hoá một vụ việc hành chính là không có cơ sở pháp luật, nếu kể cả đó là gỗ Giáng hương nhưng được nằm trong Tờ khai nhập khẩu 1505/ 2011/ NK của Công ty Ngọc Hưng đã khai báo rỏ ràng có 3 tên hàng là gỗ Trắc xẻ, gỗ Trắc tròn và gỗ Trắc tròn tận dụng gốc, cành, ngọn gồm 535,8 m3, thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính việc khai báo không đúng về số lượng chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu không phải là hành vi (buôn bán trái phép), căn cứ điều 153 bộ luật hình sự thấy đó không phải là tội phạm. Hành vi này được điều chỉnh theo quy định của nghị định 97/2007/ND-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính và việc cưỡng chế quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Các cơ quan pháp luật và Luật khẳng định: Công ty Ngọc Hưng không buôn lậu, các Công chức Hải quan không thiếu trách nhiệm gây quả nghiêm trọng với những hệ thống chứng cứ sau:

Một là: Ngày 31/7/2015, C46 có Công văn số 1237 phúc đáp cho C44 cùng trong một Bộ Công an lần thứ 2 tiếp tục khẳng định:

“Hàng hóa (gỗ) của Cty TNHH Ngọc Hưng theo tờ khai cũng như thực tế kiểm tra không phải là hàng cấm, hàng hóa đó không phải xin giấy phép của cơ quan quản lý khi xuất khẩu. việc khai báo không đúng về số lượng chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu không phải là hành vi (buôn bán trái phép), căn cứ điều 153 bộ luật hình sự thấy đó không phải là tội phạm. Hành vi này được điều chỉnh theo quy định của nghị định 97/2007/ND-CP ngày 07/6/2007 của CP về việc xử lý vi phạm hành chính và việc cưỡng chế quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan”.

Hai là: Tại bản Kết luận điều tra số 25/KLĐTBS - C44 ngày 13/3/2015 của C44 (trang 10, điểm 3.1) kết luận: “Kết quả điều tra cho đến nay chưa có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc công ty Ngọc Hưng bỏ thêm gỗ Trắc, gỗ giáng Hương vào 22 container thuộc Tờ khai xuất khẩu số 849/XK/XD/C32D”(để xuất khẩu) và khẳng định lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng là có nguồn gốc nhập khẩu và xuất xứ từ Lào.

Ba là:  Về chính sách thuế xuất nhập khẩu tại phiên Toà xét xử sơ thẩm ngày 23/8/2018:

 Ông Nguyễn Danh Nghĩa - Phó Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh Cục Hải quan TP. Hà Nội (Tổng cục Hải quan) và bà Nguyễn Thị Thân - Công chức Phòng Thuế XNK Cục Hải quan TP. Hà Nội (Tổng cục Hải quan) là giám định viên tư pháp về thuế của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) khẳng định và trả lời trước Hội đồng xét xử:

"Căn cứ quy định tại Khoản 8, Điều 15 Nghị định số 87/ 2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ; Khoản 8, Điều 113 Thông tư số 194/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính thì lô gỗ Trắc xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng thuộc đối tượng được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp và không phải nộp thuế xuất khẩu”.

Bốn là: Bản án số 35/2018 ngày 23/8/2018/HSST Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng tuyên:

[1].“Vì vậy, hệ thống chứng cứ mà cáo trạng cũng như đại diện Viện kiểm sát nêu ra tại phiên toà để quy buộc các bị cáo làm giả hồ sơ nhập khẩu lậu và xuất lậu lô hàng gỗ là chưa có cơ sở. Về thực tế, khi nhập khẩu và khi xuất khẩu lô hàng trên, Công ty Ngọc Hưng đã công khai làm thủ tục hải quan và kê khai nộp thuế theo quy định đã được cơ quan Hải quan, Kiểm dịch, Biên phòng kiểm tra, xác nhận và cho thông quan.  Do đó, chưa đủ cơ sở để xác định các bị cáo Liệu, Dung buôn lậu đối với toàn bộ lô hàng gỗ nêu trên”.

[2]. “Việc xác định thiệt hại như vậy là không đúng theo quy định của pháp luật về hải quan và chính sách thuế đối với hàng hoá nhập và xuất kinh doanh qua nước thứ 3”.

Năm là: Tại Công văn số 1661/ TCHQ - TXNK ngày 20/02/2014 của Tổng cục Hải quan gửi Cơ Quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an.

 “Mục 2. Trường hợp cụ thể Doanh nghiệp Ngọc Hưng đã nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu ngày 17/12/2011 số tiền là 3.246.503.317 đồng theo tờ khai nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033 ngày 17/12/2011 và chứng từ ghi số thuế phải thu số 2560/TBT ngày 17/12/2011 của cơ quan Hải quan là đúng quy định của pháp luật. Khi khởi tố vụ án xảy ra tại Cảng Đà Nẵng theo Quyết định số 02/QĐ-ĐTCBL ngày 06/4/2012 của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thì hàng đã thông quan tại của khẩu nhập khẩu Lao Bảo, nên số tiền thuế đã nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu là của NSNN không còn là của Doanh nghiệp, mặt khác theo quy định của Luật Quản lý thuế  và khoản 1 điều 68 Luật Ngân sách Nhà nước, chỉ quy định hoàn trả tiền thuế cho Donh nghiệp khi nộp NSNN không đúng, trường hợp nộp thiếu thì phải truy thu, trường hợp Doanh nghiệp kê khai thiếu thì phải truy thu.Trường hợp Doanh nghiệp được tái xuất khẩu, thì hoàn trả thuế nhập khẩu đã nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế”.       

 Sáu là: Công ty Ngọc Hưng đã thực hiện đúng thủ tục kinh doanh xuất nhập khẩu, mua bán hàng hoá quốc tế theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ và căn cứ vào Công văn số 1328/BCT-XNK ngày 08/02/2013 của Bộ Công thương trả lời Tổng cục Hải quan về việc xuất khẩu gỗ Trắc và các loại gỗ khác có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào. (mặt hàng gỗ Trắc nhập khẩu sau đó xuất khẩu không phải xin giấy phép, không có thuế xuất nhập khẩu, mặt hàng Nhà nước không cấm nhập khẩu và xuất khẩu), còn thuế GTGT xuất khẩu có thuế suất 0%

Thứ bảy: Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 14 Đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Trị ông Hoàng Đức Thắng đã quá bức xúc và thẳng thắn phê phán “… Cơ quan tố tụng như đang thách thức sự kiên nhẫn của Đại biểu Quốc Hội và công luận, thách thức bao số phận của người dân trong vòng lao lý”.

Với những căn cứ nêu trên có đủ cơ sở chắc chắn để xác định rằng: Các bị cáo bị truy tố về tội “Buôn lậu”, cũng như các bị cáo bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”là oan, nên đề nghị Hội đồng xét xử Toà án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tuyên bố: Các bị cáo vô tội, khôi phục  quyền hợp pháp theo quy định pháp luật cho các bị cáo.

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, xem xét của Hội đồng xét xử.

                                               Đà Nẵng, ngày 03 tháng 07 năm 2019

                                                                        Bị cáo

 

                              

                     1.  Đỗ Lý Nhi                                                             2. Lê Xuân Thành

Theo: Sáu Nghệ-lsvn.vn