Vụ án Mobifone mua AVG: Căn cứ pháp lý thu hồi tiền cho Nhà nước

Facebook Google+ Email

Vụ án Mobifone mua AVG: Căn cứ pháp lý thu hồi tiền cho Nhà nước

Theo Kết luận điều tra số 73/C03-P14 (ngày 31/8/2019) của Cơ quan CSĐT Bộ công an, vụ án MobiFone mua AVG đã khắc phục được hậu quả sau khi hai bên huỷ bỏ hợp đồng và thu hồi lại tiền cho Nhà nước. Việc huỷ bỏ hợp đồng dựa trên cơ sở pháp lý là nghĩa vụ hai bên trong hợp đồng chưa hoàn tất, phía MobiFone chưa thanh toán nốt 5% giá trị hợp đồng cho các cổ đông AVG.

 

Ông Nguyễn Đăng Nguyên - Phó Tổng Giám đốc MobiFone là người đề nghị bằng văn bản dừng không thanh toán nốt 5% giá trị hợp đồng và không đồng ý ký biên bản họp thống nhất trong ban lãnh đạo về việc thanh toán khoản tiền còn lại này khi đến hạn phải thanh toán vào tháng 7/2016.

“Nguyễn Đăng Nguyên không được bàn bạc, không hưởng lợi cá nhân, đã có đề nghị dừng thanh toán 5% còn lại của Thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG… Nguyên không đồng ý thanh toán 5% giá trị hợp đồng và không ký biên bản họp ban chỉ đạo tiếp nhận dự án đầu tư dịch vụ truyền hình ngày 18/7/2016, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thu hồi tiền cho Nhà nước”, Kết luận điều tra viết.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi được Bộ TT&TT cho phép, ngày 25/12/2015, Chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà ký hợp đồng với các cổ đông AVG để nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG.

090919a6-5d767482af91f

Từ trái qua, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son; Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch MobiFone; cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Cao Duy Hải - nguyên Tổng Giám đốc MobiFone.

Từ ngày 28/12/2015 đến 15/01/2016, MobiFone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng tương ứng 8.445,324.611 tỷ đồng. Theo kết luận điều tra, hợp đồng đã gây thiệt hại cho Nhà nước 6.475,324.611 tỷ đồng.

Đến thời điểm theo tiến độ phải thanh toán nốt 5% giá trị còn lại của hợp đồng, ngày 13/7/2016, khi được hỏi ý kiến, ông Nguyên đã trả lời bằng văn bản không đồng ý thanh toán giá trị 5% còn lại này.

Ngày 18/7/2016, khi được yêu cầu tham gia ký biên bản họp ban chỉ đạo tiếp nhận dự án đầu tư dịch vụ truyền hình.

Theo đó, có nội dung thống nhất trình HĐTV phê duyệt thanh toán nốt 5% giá trị hợp đồng sau khi hoàn tất một số văn bản báo cáo, ông Nguyên là người duy nhất từ chối tham gia ký biên bản cuộc họp.

Hợp đồng chưa hoàn tất nghĩa vụ các bên nên không thể thanh lý, đây là cơ sở pháp lý để hai bên huỷ bỏ hợp đồng và thu hồi toàn bộ tiền về cho Nhà nước. Việc từ chối thanh toán 5% giá trị hợp đồng của ông Nguyên có thể coi là đóng góp tích cực để đạt được kết quả này.

Ông Nguyên được giao phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc từ tháng 8/2018 đến khi bị khởi tố 26/8/2019. Trong thời gian được giao phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc, ông Nguyên đã cùng tập thể MobiFone vượt qua nhiều khó khăn. Ngày 28/8/2019, hai ngày sau khi ông Nguyên bị khởi tố, Công đoàn MobiFone có Công văn số 246 gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSND tối cao đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông.

Công văn cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2019, MobiFone ghi nhận 2.644 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 8,6% và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.115 tỷ, tăng 8,4 % so với cùng kỳ năm 2018”.

Còn kết luận điều tra: “Căn cứ vào lời khai bị can, lời khai của những người có liên quan, tài liệu, tờ trình, văn bản do Nguyễn Đăng Nguyên ký, có căn cứ đánh giá: Nguyễn Đăng Nguyên được phân công nhiệm vụ tổng hợp dự án nhưng thực tế không tham gia. Nguyên cùng Ban Tổng giám đốc ký báo cáo, ký quyển dự án để HĐTV trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án…

Đến nay, hậu quả của hành vi làm trái đã được khắc phục hoàn toàn. Do đó, cơ quan điều tra đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Nguyễn Đăng Nguyên”.

Theo: Sáu Nghệ - lsvn.vn