Diễn biến mới kỳ án buôn lậu gỗ tiền tỉ

Facebook Google+ Email

Ngày 3-7, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm vụ buôn lậu gỗ trắc tại Công ty Ngọc Hưng (Quảng Trị). Đây là vụ án đã kéo dài tám năm, qua bốn lần tòa mở phiên xử sơ thẩm.

Đặc biệt liên quan đến vụ án này, mới đây CQĐT VKSND Tối cao khởi tố vụ án về tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 371 BLHS xảy ra tại Cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an.

Gỗ tang vật bị bán trái luật

Theo đó, trong quá trình C44 thụ lý, điều tra vụ án này thì đã bán đấu giá lô gỗ là vật chứng trái luật và chỉ đạo của liên ngành tư pháp trung ương. Số lô gỗ tang vật mà C44 bán trái quy định hơn 60 tỉ đồng. Người trực tiếp liên quan là cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh (khi đó là thủ trưởng C44). Hiện CQĐT VKSND Tối cao đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Trước đó, xử sơ thẩm, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu (cựu phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) một năm 16 ngày tù; Trần Thị Dung (cựu giám đốc Công ty Ngọc Hưng) chín tháng tù treo, về tội buôn lậu. Các bị cáo Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành (cựu công chức hải quan Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt) bị phạt chín tháng tù treo và Đỗ Danh Thắng (cựu chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng) sáu tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó các bị cáo kháng cáo kêu oan.

Tại tòa phúc thẩm, HĐXX tập trung hỏi các bị cáo để làm rõ có hay không gỗ giáng hương trong lô hàng của Công ty Ngọc Hưng. Bị cáo Liệu và Dung kêu oan, khẳng định lô hàng của công ty chỉ có gỗ trắc, không có gỗ khác như bản án tòa sơ thẩm nhận định.

Theo bị cáo Dung, thời điểm năm 2014, số gỗ có giá trị khoảng 300 tỉ đồng. Việc CQĐT bán đấu giá với giá chỉ hơn 60 tỉ đồng là quá rẻ, gây thiệt thòi cho công ty và vợ chồng bị cáo. Từ đó, Dung kháng cáo đề nghị không nhận lại số tiền hơn 60 tỉ đồng như bản án sơ thẩm quyết mà xin lại lô hàng. Nếu gỗ đã bị bán thì đề nghị giao quyền khởi kiện cho Công ty Ngọc Hưng để kiện các cá nhân, cơ quan đã bán.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng (trái) tại phiên tòa. Ảnh: TA

Ngoài ra, bị cáo Dung còn tố cáo điều tra viên thuộc C44 quá trình điều tra có hành vi đánh đập, dùng nhục hình để ép cung Trần Đình Quang (cháu bà Dung và là nhân viên Công ty Ngọc Hưng). Kết quả là ngày 22-5-2013, sau khi từ C44 trở về anh Quang đã tự tử và để lại một bức di thư nói về việc này.

Dung khai: “Điều tra viên lấy lời khai của Quang ba, bốn lần gì đó, bị cáo không nhớ rõ. Bị cáo và Quang ngồi ở hai phòng khác nhau, khi làm việc xong thì nghe thấy phòng của Quang có tiếng đập bàn ghế. Bị cáo hé cửa nhìn thì thấy điều tra viên đánh Quang”. Chủ tọa hỏi biết cháu bị ép cung, sao không vào can thiệp, Dung đáp: “Thưa, bị cáo sợ. Đây cũng là kinh nghiệm cho bị cáo sau này”.

Tại tòa, Nhi, Thành cũng kêu oan cho rằng các bị cáo làm đúng nhiệm vụ, chức trách được giao.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nói về vụ án

Đặc biệt phiên tòa có mặt ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị, tham dự và thực hiện chức năng giám sát phiên xử.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Thắng cho hay vụ án này kéo dài sang năm thứ chín, đoàn ĐBQH tỉnh đã theo dõi, giám sát từ hai phiên tòa sơ thẩm lần ba và bốn để đảm bảo việc xét xử diễn ra công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội.

Ông Thắng cho hay qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, tiếp cận với các đương sự có liên quan, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cơ quan tố tụng. Từ việc tịch thu lô gỗ cho đến điều tra, truy tố, cơ quan tố tụng cũng có một số hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật.

“Vi phạm lớn nhất là việc bán lô gỗ là vật chứng của vụ án khi vụ án đang trong quá trình điều tra. Đây là vi phạm nghiêm trọng và Đoàn ĐBQH đã có kiến nghị, chúng tôi cũng rất hoan nghênh VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án ra quyết định hành chính vi phạm pháp luật” - ông Thắng nói.

Theo ĐB Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị sẽ theo dõi xuyên suốt phiên xử phúc thẩm, sau khi kết thúc đoàn sẽ có nhận xét, đánh giá và báo cáo với các cơ quan có trách nhiệm để xem xét vụ án một cách toàn diện.

Ông Thắng cho biết: “Qua xem xét, nghiên cứu, chúng tôi thấy có nhiều dấu hiệu oan sai với các công dân bởi cáo buộc của VKS và CQĐT. Theo quan điểm của chúng tôi, việc buộc tội này đang hình sự hóa các quan hệ về dân sự. Lẽ ra nếu có những sai phạm có thể xử lý theo các quy định pháp luật về hành chính. Đây là vấn đề cần phải làm rõ”.

Ông Thắng hy vọng phiên tòa phúc thẩm sẽ xét xử khách quan, vô tư và đặc biệt là đảm bảo tính độc lập trong xét xử, dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không chịu bất cứ áp lực nào. HĐXX sẽ xét xử công tâm, vô tư, khách quan, độc lập, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân và sẽ tiếp tục kiến nghị các vi phạm của các cơ quan tố tụng trong vụ án này cũng phải được xử lý theo đúng pháp luật.

Nội dung vụ án

Theo hồ sơ, tháng 12-2011, Liệu chỉ đạo các cá nhân trong công ty làm giả hồ sơ, tài liệu để nhập khẩu lậu 614,7 m3 gỗ, trị giá hơn 63,6 tỉ đồng từ Lào về Việt Nam rồi xuất khẩu đi Trung Quốc. Dung đã ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu lậu gỗ giúp sức cho Liệu buôn lậu. Hành vi của Liệu và Dung gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 1,9 tỉ đồng.

Các bị cáo Nhi, Thành kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu này nhưng không thực hiện đúng quy định. Thắng được giao khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng gỗ xuất khẩu có vi phạm nhưng không thực hiện đúng nhiệm vụ.

Theo: TÂM AN-baomoi.com