Vụ án Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho: Khiếu nại kết luận điều tra
Vụ án Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho: Khiếu nại kết luận điều tra
VKSND tỉnh Tiền Giang cho biết, vừa nhận được khiếu nại đối với Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 84/CSKT ngày 30/01/2020 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang về hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho.
Bị can chính khiếu nại “nội dung không đúng”
Đơn khiếu nại ngày 03/02/2020 của bị can chính Võ Tá Thiện - nguyên Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho, gửi Viện trưởng VKSND tỉnh và Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang.
Khiếu nại cho rằng Bản kết luận điều tra có “nội dung không đúng” khi quy kết ông Thiện “là chủ mưu cầm đầu trong vụ việc” làm “thiệt hại ngân sách Nhà nước 1.493.796.695 đồng”.
Trụ sở Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho ngày bị khám xét.
Bản kết luận điều tra đã kết luận hành vi phạm tội của bị can Thiện như sau: “Bị can Võ Tá Thiện được Cục Hàng hải Việt Nam bổ nhiệm làm Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho từ ngày 01/04/2015 đến tháng 11/2018. Sau khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho bị can Võ Tá Thiện đã chỉ đạo bộ phận cấp dưới gồm Nguyễn Tấn Phát, Nguyễn Thiên Trúc và Lê Quang Huy tiến hành lập hồ sơ thanh quyết toán khống tiền nhiên liệu cấp cho cano 210CV của Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho trong giai đoạn từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2016 để chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động ngoại giao, chi cho các hoạt động không được quyết toán theo quy định và cho cá nhân Võ Tá Thiện… Gây thiệt hại cho Nhà nước với tổng số tiền là 1.493.796.695 đồng”.
Đơn khiếu nại của bị can Thiện trình bày: “Toàn bộ việc làm của tôi và các cán bộ dưới quyền đều làm theo thủ tục mà Giám đốc cũ trước ngày 01/11/2015 đã làm, không có gì khác về hồ sơ kế toán và sử dụng cano 210CV, đồng thời việc chi tiền đều theo quy chế nội bộ của Cảng vụ phù hợp với quy định giao khoán kinh phí của Cục Hàng hải Việt Nam. Quá trình điều tra, điều tra viên không cho tôi đối chiếu các chứng từ chi tiết, chỉ được xem các bản tổng hợp do điều tra viên tổng hợp. Vụ án kết luận tôi “Vi phạm quy định về kế toán” nhưng không tiến hành giám định tài chính kế toán”.
Do đó, khiếu nại của bị can Thiện đề nghị xem xét hai vấn đề: “Tôi không phải là chủ mưu cầm đầu trong vụ việc “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” như kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, tôi chỉ là người kế thừa các công việc mà Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho trước tôi đã làm. Số tiền quy kết thiệt hại ngân sách Nhà nước 1.493.796.695 đồng là không đúng, đề nghị giám định tài chính kế toán để bóc tách số tiền này”.
Luật sư đề nghị “trả hồ sơ để điều tra bổ sung”
Cùng ngày 03/02/2020, Luật sư Nguyễn Trường Thành (Trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ) bào chữa cho bị can Thiện có đơn gửi Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đề nghị xem xét kết luận điều tra. Luật sư Thành cho rằng, “vụ án có dấu hiệu bỏ lọt, bao che tội phạm” và không trưng cầu giám định tài chính kế toán nên “chưa có căn cứ pháp lý để buộc tội bị can Võ Tá Thiện”.
Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm theo Luật sư Thành ở hai nhóm: Từ năm 2011 đến 2014 đối với các cá nhân có liên quan đến hồ sơ thanh toán nhiên liệu cho canô 210CV, từ năm 2011 đến 2015 tại các doanh nghiệp cung cấp hóa đơn khống cho việc thanh toán của Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho.
Với nhóm thứ nhất, Bản kết luận điều tra tại trang 24 viết: “Đối với hành vi quyết toán nhiên liệu khống canô 210CV xảy ra từ tháng 8/2011 đến tháng 12/2014 theo lời khai của các bị can Nguyễn Tấn Phát, Lê Quang Huy, Bùi Thị Đoan Khánh, Trần Hải Triều Thanh và Phạm Thanh Tân do thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan CSĐT chưa thu thập đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh tội phạm và người phạm tội. Hành vi vi phạm pháp luật trong giai đoạn này không ảnh hưởng đến cấu thành tội phạm của các bị can trong giai đoạn 2015 - 2016. Vì vậy Cơ quan điều tra sẽ tách riêng và tiếp tục điều tra, thu thập chứng cứ để đề nghị xử lý sau”.
Một số khoản chi được kê trong phụ lục số 03.
Đơn của Luật sư Thành đánh giá: “Việc tách vụ án của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang với hai lý do như trên là không có căn cứ, có dấu hiệu bao che tội phạm, bỏ lọt người và hành vi phạm tội trái với quy định tại khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”.
Với nhóm thứ hai, việc thanh toán khống nhiên liệu canô 210CV thực hiện được là nhờ có hóa đơn GTGT khống. Bản kết luận điều tra đã xác định được hành vi xuất khống hóa đơn GTGT của một số doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu thông qua cán bộ thuế địa phương. “Nhưng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang không khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 là không bảo đảm khách quan, bỏ lọt và có dấu hiệu bao che tội phạm”, đơn của Luật sư Thành viết.
Về số tiền 1.493.796.695 đồng quy buộc gây thiệt hại ngân sách Nhà nước, chủ yếu tổng hợp theo sổ tay do các cá nhân tự ghi, theo Luật sư Thành “là không hợp pháp”. Trong đó, nhiều số liệu bị can Thiện không thừa nhận, nên ý kiến của Luật sư Thành là “cần giám định tài chính kế toán để xác định khoản chi nào đúng Luật kế toán, quy chế chi tiêu nội bộ; khoản chi nào chưa đúng và trách nhiệm của từng bị can trong vụ án”.
Từ phân tích trên, Luật sư Thành “trân trọng đề nghị Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang trong phạm vi thẩm quyền xem xét để áp dụng Điều 245 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang điều tra bổ sung”.
Bản Kết luận điều tra đề nghị truy tố 6 bị can Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho, gồm: Võ Tá Thiện (55 tuổi, nguyên Giám đốc), Nguyễn Tấn Phát (50 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tài vụ kiêm Kế toán trưởng), Lê Quang Huy (49 tuổi, nguyên Trưởng phòng an toàn Thanh tra hàng hải), Bùi Thị Đoan Khánh (35 tuổi, nguyên Kế toán), Trần Hải Triều Thanh (38 tuổi, nguyên Thủ quỹ) và Phạm Thanh Tân (40 tuổi, nguyên nhân viên lái ca-nô). Số tiền 1.493.796.695 đồng, kết luận điều tra có kèm 03 phụ lục kê các khoản chi. Phụ lục số 03 có số tiền nhiều nhất với gần 975 triệu đồng, trong đó những khoản chi lớn như đi Hà Nội bảo vệ kế hoạch năm tốn 100 triệu đồng, liên hệ đóng tàu công vụ tốn 60 triệu, xin kinh phí năm tốn 50 triệu, chi cho Cục xin cơ chế tài chính tốn 40 triệu, thưởng Cục 40 triệu. Phụ lục số 01 có số tiền nhiều thứ hai với hơn 437 triệu đồng liệt kê nhiều lần mua đồ cúng tại cơ quan, chi cho cán bộ Cục Hàng hải đến công tác và công an địa phương. |
Theo: Sáu Nghệ - lsvn.vn