Cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng có đang khép tội công dân một cách khiên cưỡng?

Facebook Google+ Email
Dư luận đặt câu hỏi, có hay không việc Cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng đang có đang khép tội bà Phạm Thị Mai một cách khiên cưỡng?
Như Pháp luật Plus đã đưa tin, TAND Cấp cao tại TP HCM đã 2 lần hủy án của TAND tỉnh Sóc Trăng vì không đủ chứng cứ buộc tội đối với bà Phạm Thị Mai (trú tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).

Sau đó, TAND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định giải quyết bồi thường cho bà Mai. Nhưng bất ngờ, Cơ quan tố tụng Sóc Trăng ra Quyết định phục hồi điều tra, truy tố bà Mai bằng một tội danh khác, chuyển tội danh từ tội "Cưỡng đoạt tài sản" sang tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản".

Sau bài viết của Pháp luật Plus, Viện kiểm sát nhân tối cao đã có thông báo chỉ đạo: “Yêu cầu VKSND tỉnh Sóc Trăng kiểm tra vụ án nêu trên, báo cáo đồng chí Nguyễn Duy Giảng - Phó viện Trưởng VKSNDTC, đồng chí vụ Trưởng Vụ 2 kiểm tra, chỉ đạo giải quyết và gửi báo cáo đến văn phòng VKSNDTC”.

Năm 2009, ông Khưu Chí Thức là chủ doanh nghiệp Vạn Hưng, ký hợp đồng mua cá tra với bà Phạm Thị Mai và ông Nguyễn Văn Liền với số tiến là gần 5 tỷ đồng. Ông Thức khất nợ nhiều lần, cố tình trây ỳ, không thực hiện đúng cam kết, không trả cho bà Mai và cuối cùng đã gạ bán lại doanh nghiệp cho bà Mai.

Lo lắng không đòi được tiền nên bà Mai đành phải đồng ý, ký hợp đồng mua lại nhà máy đông lạnh và tất cả máy móc của ông Thức. Hợp đồng mua bán này có xác nhận của chính quyền địa phương là UBND xã Vĩnh Châu. Ngày 21/01/2011, ông Thức nói với bà Mai ký tiếp phụ lục hợp đồng để cho ông Thức tìm người bán nhà máy với giá cao hơn 5 tỷ đồng. Bà Mai đồng ý vì mục đích của bà là đòi tiền chứ không muốn mua nhà máy.

119910476_3372394796117278_5906612107405370235_n-1155

Hình ảnh bên trong Công ty Vạn Hưng.

Đúng hẹn, ngày 18/02/2011, bà Mai đến doanh nghiệp Vạn Hưng đòi tiền, nhưng không thấy ông Thức đâu. Ngày 19/02/2011, ông Thức chủ động gọi điện cho bà Mai, kêu bà đến lấy tài sản như cam kết để trừ nợ. Lúc đó ông Thức gọi điện cho ông Thại, bảo vệ nhà máy, mở cửa cho bà Mai vào tháo tài sản là máy móc, tủ đông lạnh.

Ngày 23/2/2011, bà Mai thuê người đến tháo giỡ tài sản gồm: Máy phát điện, tủ đông…Đến ngày 13/4/2011, Cơ quan điều ta Sóc Trăng bất ngờ khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản" và khởi tố bị can, bắt tạm giam bà 3 tháng rưỡi đối với bà Phạm Thị Mai, trước sự bàng hoàng của bà Mai và gia đình bà.

Để tìm hiểu thông tin về căn cứ mà Cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng chuyển tội danh đối với bà Phạm Thị Mai, ngày 18/9/2020, phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp với nguyên Phó thủ Trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng là ông Lê Hoàng Điện.

Ông Điện cho biết: “Tôi là người ký quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với bà Phạm Thị Mai, tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Toàn bộ nội dung căn cứ để đình chỉ, tôi đã thể hiện rất rõ trong Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 02 ngày 24/3/2020 và kết luận số 09, ngày 24/3/2020, bản kết luận điều tra vụ án hình sự trong trường hợp đình chỉ điều tra”.

Đồng quan điểm với Phó thủ Trưởng Cơ quan điều tra Lê Hoàng Điện, ông Nguyễn Quốc Văn - Trưởng Công an xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cũng khẳng định không có căn cứ buộc tội đối với bà Phạm thị Mai. Tuy nhiên, mới đây, Cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng lại bất ngờ phục hồi điều tra, truy tố bà Mai theo tội danh  mới, là tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Hiện nay dư luận đang đặt câu hỏi, có hay không việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng cố tình ép tội bà Phạm Thị Mai một cách khiên cưỡng, cố tình kéo dài thời gian điều tra gây phẫn nộ cho bà Phạm Thị Mai và gia đình bà?

Để rộng đường dư luận, phóng viên Pháp luật Plus đã đặt lịch làm việc với VKSND tỉnh Sóc Trăng về vụ việc này. Bà Lâm Thị Ngọc Sương - Chánh văn phòng, người phát ngôn của VKSND tỉnh Sóc Trăng chỉ trả lời: “Hiện vụ án đang trong giai đoạt điều tra, nên chúng tôi không thể cung cấp cho phóng viên”. Một vụ án đã xảy ra từ năm 2011, bà Phạm Thị Mai bị bắt giam từ thời điểm đó, nhưng gần 10 năm sau, Cơ quan tố tụng Sóc Trăng vẫn trả lời rằng đang trong giai đoạn điều tra và chưa thể phát ngôn điều gì?

120109987_362833521420907_7722447474445452327_n

Công ty Vạn Hưng đang dùng làm nơi chứa hành khô.

Để có thêm thông tin nhiều chiều, phóng viên tới nhà máy Vạn Hưng do ông Khưu Chí Thức làm Giám đốc, một người dân sinh sống trong khuôn viên nhà máy cho biết: “Ông Thức đi đâu, hiện chúng tôi không biết, tôi chỉ là người ở nhờ..”. Dời nhà xưởng Vạn Hưng, phóng viên tiếp tục tới nhà ông Thại, người bảo vệ của  Công ty Vạn Hưng nhưng ông Thại không có nhà. Tiếp phóng viên là bà P.,  vợ ông Thại, bà P. cho biết: "Nhiều ngày nay, công an đến nhà tôi để làm việc và hỏi rất nhiều điều nhưng chồng tôi không có ở nhà. Sau đó, họ yêu cầu tôi ký vào một số giấy tờ nhưng tôi không ký, vì tôi không biết gì về vụ việc này".

Điều khiến dư luận quan tâm là, khối tài sản trong nhà máy Vạn Hưng gồm máy điện, tủ đông, trang thiết bị hiện đang ở đâu, do ai thu giữ? Sự thật của vụ án là như thế nào và ai mới là người lừa đảo trong vụ án nói trên? Câu trả lời thuộc trách nhiệm của Cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng.

Theo: phapluatplus.vn